Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm phát biểu tại Hội thảo
Đặt vấn đề
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 (sau đây gọi là Luật 2004) qua hơn 12 năm đi vào cuộc sống đã tạo lập khuôn khổ pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ (tại Tờ trình số 68/TTr-CP ngày 01/3/17) đến nay Luật 2004 đang bộc lộ một số hạn chế cả về phạm vi điều chỉnh, quan điểm tiếp cận và sự tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như một số điều ước quốc tế liên quan mà nước ta đã ký kết. Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên đồng thời để phù hợp với bối cảnh hội nhập và phát triển của nước ta trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ Việt Nam gần đây đã tập trung chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi (sau đây gọi là Dự thảo Luật) với nội dung và bố cục gần như cơ bản được bổ sung điều chỉnh
[1] so với Luật 2004
Dự thảo Luật (Phiên bản 5.1 ngày 17/7/2017) mở rộng phạm vi điều chỉnh so với luật hiện hành, bao gồm từ hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn về giá trị của rừng, nhất là giá trị về các dịch vụ môi trường rừng, nâng tầm chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý và các hoạt động, tôn trọng phong tục tập quán người dân bản địa. Từ đó tạo khung chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của chủ rừng và người làm nghề rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng tăng vào nền kinh tế.
Trong khuôn khổ của một bản tham luận Hội thảo, bài viết này sẽ tóm tắt một số nội dung cơ bản về lĩnh vực Phát triển rừng và Sử dụng rừng tại Dự thảo Luật. Qua đó chỉ ra các nội dung mà Dự thảo Luật có bổ sung điều chỉnh lớn so với Luật 2004, nhận định bước đầu về các tác động từ việc bổ sung điều chỉnh này. Đồng thời, bài viết cũng sẽ liệt kê và đề xuất một số điểm cần tiếp tục xem xét điều chỉnh, góp phần hoàn thiện thêm Dự thảo Luật này trước lúc được ban hành.
Những nội dung cơ bản về Phát triển và Sử dụng rừng tại Dự thảo Luật
Về cấu trúc, khác với Luật 2004 đã gộp các nội dung về Phát triển và Sử dụng rừng vào chung một chương (Chương IV) với 14 điều, Dự thảo Luật lần này tách các nội dung Phát triển rừng và Sử dụng rừng thành hai chương riêng (Chương V, VI) và dành 24 điều quy định các vấn đề liên quan đến hai chương này. So với Luật 2004, các quy định về lĩnh vực Phát triển rừng và Sử dụng rừng tại Dự thảo Luật có thêm một (01) chương và thêm mười (10) điều. Như vậy, xét về quy mô và cấu trúc có thể nói Dự thảo Luật có quy mô lớn hơn, các quy định được thể hiện chi tiết, cụ thể hơn.
Về nội dung, Chương Phát triển rừng trong Dự thảo Luật (Chương V) gồm có bảy (07) điều, quy định lần lượt các nội dung về:
Phát triển Giống cây lâm nghiệp, Phát triển ba loại rừng (Đặc dụng, Phòng hộ , Sản xuất),
Phát triển cây phân tán, Phát triển gây nuôi động vật rừng và
Phát triển hạ tầng lâm nghiệp. Nhờ tách ra thành một chương riêng, các nội dung về Phát triển rừng đối với các loại rừng và các đối tượng khác nhau tại Dự thảo Luật được quy định đầy đủ hơn, cụ thể hơn so với Luật 2004. Qua đó có thể sẽ giúp các điều luật được áp dụng và thực thi tốt hơn sau này.
Đặc biệt, Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn về Phát triển Giống cây lâm nghiệp, đưa Rừng giống quốc gia vào phân nhóm Rừng đặc dụng chứ không còn để ở Rừng sản xuất như Luật 2004. Sự sửa đổi này là phù hợp với tính chất “đặc dụng” của rừng giống và giúp nâng tầm quan trọng cũng như bảo đảm các chế tài đủ mạnh nhằm bảo vệ và phát triển tốt hơn hệ thống Rừng giống quốc gia. Ngoài ra, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về Phát triển cây phân tán, Gây nuôi phát triển động vật rừng và Phát triển hạ tầng lâm nghiệp vào Chương Phát triển rừng. Đây là sự bổ sung cần thiết nhằm đưa các hoạt động thực tế đã có nhưng còn lỗ hổng pháp lý vào khuôn khổ quy định của pháp luật.
Box 1: So sánh nội dung PTR&SDR trong Luật 2004 và Dự thảo Luật
Phiên bản/
Nội dung |
PTR&SDR |
Giống CTLN |
Nuôi ĐVR |
PT
Cây PT |
DV
MTR |
PT CSHTLN |
Đóng CRTN |
Luật 2004 |
1 chương (IV), 14 điều |
1 điều (58), thuộc RSX |
- |
- |
- |
- |
- |
Dự thảo Luật
(Phiên bản 5.1) |
2 chương (V, VI), 24 điều |
2 điều (39,40), thuộc RĐD |
1 điều
(44) |
1 điều
(43) |
4 điều
(55-58) |
1 điều (55) |
4 điều
(58b-61) |
Đối với Chương Sử dụng rừng (Chương VI), Dự thảo Luật chia chương này thành năm (05) mục, 17 điều. Trong đó, ba (03) mục đầu lần lượt quy định về quản lý và khai thác, sử dụng các loại rừng:
Đặc dụng, Phòng hộ và
Sản xuất. Hai Mục còn lại quy định về
Dịch vụ môi trường rừng và
Đóng cửa rừng tự nhiên. So với Luật 2004, Dự thảo Luật đã đề cập chi tiết hơn về nguyên tắc và nội dung quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng, nghiên cứu, làm du lịch đối với từng loại rừng. Việc quy định chi tiết, cụ thể hơn nội dung các điều khoản sẽ giúp luật dễ đi vào cuộc sống hơn đồng thời giảm thiểu việc thực thi luật phải chờ các hướng dẫn dưới luật thường chậm được ban hành và hay bị chồng chéo về nội dung.
Ngoài ra, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm hai Mục là
Đóng cửa rừng tự nhiên và
Dịch vụ môi trường rừng vào Chương Sử dụng rừng. Đây là các nội dung hoàn toàn mới so với Luật 2004 nhưng thực sự rất cần thiết, nhằm tạo khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động đã và đang được thực hiện trên thực tế
[2] nhưng còn thiếu hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý chặt chẽ và thực hiện ngày một hiệu quả hơn.
Đặc biệt, việc Dự thảo Luật đưa nội dung Dịch vụ Mội trường rừng là một yêu cầu tất yếu nhằm quản lý tốt và nâng tầm một chính sách đang được triển khai thực hiện rất thành công tại nước ta. Thực tế, với việc thành lập hệ thống Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng (theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP) và thực hiện Chính sách Chi trả Dịch vụ môi trường rừng (theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP), nước ta thực sự đã có một bước ngoặt về chính sách xã hội hóa ngành lâm nghiệp, tạo bước đột phá ngoạn mục trên cả phương diện chính sách và thực tiễn về quản lý và sử dụng rừng.
Box 2: Kết quả thực hiện Chính sách Chi trả DVMTR
(đơn vị: tỷ VND)
Sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tổng số tiền DVMTR đã được bên sử dụng DVMTR chi trả là 5.226.025.000.000 đồng, có 5.299.795,41 ha rừng đã được bảo vệ bằng nguồn tiền chi trả DVMTR (chiếm 38,4% tổng diện tích 82 rừng cả nước), có 506.298 hộ dân được nhận tiền chi trả DVMTR để cải thiện thu nhập và đời sống, đây là những hộ dân sống trong vùng rừng, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Nguồn: Vương Văn Quỳnh
& Nguyễn Chí Thành, 2016
Như vậy, nhìn chung việc bổ sung điều chỉnh nội dung các chương Phát triển rừng và Sử dụng rừng như tại Dự thảo Luật là hợp lý và hy vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động lâm nghiệp thuộc hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, hai lĩnh vực Phát triển rừng và Sử dụng rừng vốn quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau, là nền tảng tiền đề của nhau. Nhiều hình thức khai thác sử dụng rừng như tỉa thưa, khai thác chọn, khai thác tận thu gắn liền với các biện pháp lâm sinh nhằm tu bổ, vệ sinh, phát triển rừng.
Ngược lại, hiểu một cách đơn giản nhất là có phát triển rừng mới có khai thác sử dụng rừng. Hơn nữa, các hoạt động phát triển rừng như khoanh nuôi phục hồi, trồng rừng đối với các loại rừng khác nhau, từ các nguồn vốn đầu tư khác nhau dẫn đến việc xác lập các quyền khác nhau về khai thác, sử dụng hay quyền sở hữu rừng của chủ rừng. Việc tách thành hai chương riêng như tại Dự thảo Luật cần rất lưu ý đến mối quan hệ này khi đề ra các quy định và chế tài để tránh bỏ sót các tình huống pháp lý hoặc vô tình quy định một cách trùng lặp, ôm đồm, dẫn đến sự lúng túng trong thực hiện.
Một số nội dung cần xem xét hoàn thiện thêm tại Dự thảo Luật
Bên cạnh những bổ sung, sửa đổi rất cần thiết và đúng đắn so với Luật 2004, Các chương về Phát triển rừng (Chương V) và Sử dụng rừng (Chương VI) của Dự thảo Luật còn một vài nội dung nên xem xét và tiếp tục điều chỉnh như sau:
Dự thảo Luật có Điều 39 về Phát triển giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, tại Điều 40 (Phát triển rừng đặc dụng) có Khoản 3 nêu lại nội dung phát triển rừng giống quốc gia. Vì vậy, nên nhập nội dung Điều 39 vào Khoản 3, Điều 40 cho gọn và đảm bảo tính lô-gic vì Rừng giống được phân nhóm vào Rừng đặc dụng tại Dự thảo Luật này;
Tại Tiết a, Khoản 1, Điều 41 (Phát triển rừng phòng hộ) cần bổ sung yếu tố định lượng cho khái niệm “rừng tập trung, liền vùng” là tối thiểu bao nhiêu ha? (tương tự như tại Khoản 2, Khoản 3, điều này đã có định lượng cho rừng chắn gió, chắn sóng). Việc đưa ra các điều kiện bắt buộc nhưng thiếu cụ thể như: “Phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng,…” dẫn tới khó khăn trong thực hiện và giám sát thực hiện luật. Tương tự, tại Mục 2, Chương VI (Sử dụng rừng phòng hộ), có khái niệm “không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng” (Khoản 3, Điều 49; Khoản 1, Điều 51). Đây là khái niệm định tính, cần làm rõ như thế nào là không ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng thì các điều luật mới dễ áp dụng trong thực tế. Tránh trường hợp dẫn đến hiện tượng mỗi nơi áp dụng một kiểu hoặc “nhờn luật”, không thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước;
Tại Khoản 2, Điều 42 có đoạn: “…; chuyển hóa rừng trồng sang rừng tự nhiên ở những nơi có điều kiện thuận lợi về tái sinh tự nhiên”. Trong khoa học lâm sinh không có biện pháp nào là chuyển hóa rừng trồng sang rừng tự nhiên. Vì vậy, nên viết lại đoạn này là: “…; chuyển đổi từ biện pháp trồng rừng sang khoanh nuôi phục hồi tự nhiên ở những nơi có điều kiện thuận lợi về tái sinh tự nhiên”. Cũng tại điều này, tại Khoản 3 có đoạn: “Chỉ được cải tạo rừng ở những diện tích không có khả năng phục hồi thành rừng”. Điều này khá phi thực tế bởi ở diện tích không có khả năng phục hồi thành rừng thì có nghĩa là chưa có rừng để có thể cải tạo như Dự thảo nêu. Đoạn này có thể viết lại thành: “Chỉ được cải tạo rừng ở những diện tích rừng không có khả năng tự phục hồi”.
Tại Mục 3, Chương VI (Sử dụng rừng sản xuất), cần có thêm các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng đối với động vật rừng gây nuôi, cây phân tán, rừng sản xuất được hình thành thông qua biện pháp khoanh nuôi phục hồi, rừng ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp. Đây là những đối tượng hiện hữu và trên thực tế các nhu cầu về quản lý, sử dụng các đối tượng này có phát sinh khá phổ biến, cần thiết phải đưa vào luật để thống nhất quản lý.
Cũng tại Mục này, quy định thẩm quyền quyết định khai thác rừng sản xuất là rừng trồng phụ thuộc vào quyền sở hữu rừng/nguồn vốn phát triển rừng là vốn Nhà nước hay vốn của chủ rừng (tại Điều 53). Thực tế cho thấy rừng sản xuất phần lớn Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vốn, còn lại là vốn chủ rừng. Như vậy, cần có quy định vốn Nhà nước hỗ trợ/đầu tư chiếm tối thiểu bao nhiêu % thì được gọi là rừng trồng từ nguồn vốn Nhà nước. Tránh trường hợp vốn Nhà nước hỗ trợ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng vẫn xem là rừng trồng/khoanh nuôi từ nguồn vốn Nhà nước nên hạn chế quyền khai thác của chủ rừng.
Ngoài ra, các quy định về điều kiện khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại Điều 52 chỉ nên áp dụng với biện pháp
khai thác chính. Còn với các biện pháp khai thác
tận dụng, tận thu, khai thác
lâm sản ngoài gỗ trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên nếu cũng phải áp dụng các điều kiện tại điều này thì quá chặt
[3], gây khó khăn cho chủ rừng và người dân, từ đó có thể dẫn đến việc lách luật vì yêu cầu thực tế cần nhưng khó thực hiện theo luật.
Trong Mục 4, Chương VI (Dịch vụ môi trường rừng) có các khái niệm “có sử dụng nguồn nước từ rừng” (Khoản 5, Điều 55), hay “có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước” (Tiết c, Khoản 3, Điều 57). Thực tế triển khai chính sách Chi trả Dịch vụ môi trường rừng cho thấy các khái niệm này còn trừu tượng, dễ gây tranh cãi khi áp dụng. Cần đưa các khái niệm này vào phần giải thích từ ngữ nhằm đảm bảo tính thống nhất về nhận thức các khái niệm khi thực thi luật.
Tại Tiết b, Khoản 2, Điều 57 (Đối tượng được hưởng tiền Dịch vụ môi trường rừng), nên bỏ các cụm từ “ổn định lâu dài” và “nhà nước”. Lý do là nếu để như vậy thì vô tình sẽ loại bỏ các các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng hàng năm và nhận khoán bảo vệ rừng với các tổ chức ngoài nhà nước khỏi đối tượng được hưởng tiền Dịch vụ môi trường rừng. Điều này là bất công bằng và không phù hợp với thực tiễn sản xuất lâm nghiệp đang diễn ra trên thực tế.
Tại Tiết b, Khoản 4, Điều 57 (Hình thức chi trả Dịch vụ môi trường rừng), nên bổ sung cụm từ: “…, cách thức chi trả một cách công khai, minh bạch và đồng thuận” sau cụm từ: “… nếu các bên cung ứng và sử dụng dịch vụ môi trường rừng tự thỏa thuận được mức tiền chi trả”.
Về nội dung “Kiểm tra, giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng” quy định tại điều Điều 58, đây là nội dung cần thiết trong bối cảnh chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng do Chính phủ ban hành đang được triển khai ngày càng sâu rộng về phạm vi, lớn mạnh về quy mô và đón nhận sự đồng thuận rất lớn của chính quyền và người dân ở nước ta. Tuy vậy, để tránh sự lúng túng trong thực thi luật, thiếu thống nhất trong thực hiện hoặc lợi dụng quy định chưa rõ ràng để làm khó cơ sở, Điều 58 nên bổ sung thêm Khoản 4 giao Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định cụ thể về tiêu chí, chỉ số, cách thức tổ chức công tác kiểm tra, giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ngoài nội dung liên quan đến các chương Phát triển rừng và Sử dụng rừng, còn một số nội dung khác của Dự thảo Luật cũng cần nghiên cứu hoàn thiện thêm như:
Về tên luật, Dự thảo Luật vẫn giữ tên cũ là “Luật Bảo vệ và Phát triển rừng” trong khi nội dung đã được bổ sung thêm nhiều nội dung lớn về các lĩnh vực: Chế biến và thị trường lâm sản; Hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; Quản lý nhà nước về lâm nghiệp; Giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp. Như vậy tên luật cũ cơ bản đã không bao hàm đủ các lĩnh vực được điều chỉnh trong Dự thảo Luật. Nên chăng, Dự thảo luật nên gọi là Luật Lâm nghiệp như đề xuất của Chính phủ sẽ vừa ngắn gọn vừa có hàm ý bao trùm hơn. Thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng có luật mang tên là Luật Lâm nghiệp như Mỹ, Bang Ontario Canada, Brasil, Indonesia, Thủy Điển… hoặc có luật mang tên là Luật về rừng như Butan, Anh, Myanmar, Nga.
Về Điều khoản “Giải thích từ ngữ” (Điều 3), Dự thảo Luật đã giải thích khái niệm của 23 thuật ngữ và cụm từ. Mặc dù vậy, thực tế có nhiều thuật ngữ lâm nghiệp khác được sử dụng trong Dự thảo Luật tuy quen thuộc với người trong ngành nhưng không phổ biến với phần lớn đối tượng khác trong xã hội như: Khoanh nuôi rừng, Làm giàu rừng, Cải tạo rừng. Ví dụ, trong phiên thảo luận gần đây của Quốc hội về Dự thảo Luật vẫn có đại biểu hiểu nhầm “Làm giàu rừng” có nghĩa là Làm giàu từ rừng nên phản đối áp dụng biện pháp Làm giàu rừng đối với Rừng đặc dụng. Các thuật ngữ cũng nên được sắp xếp lại theo một trật tự lô-gic nhất định để dễ tra cứu. Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều này Dự thảo Luật có đề cập “họ dừa”. Đúng ra nên viết là “họ Cau dừa” (Arecaceae) vì trong hầu hết các tài liệu học thuật đều viết họ này với danh pháp như vậy.
Về Phân loại rừng (Điều 5), việc phân thành ba (3) loại rừng như hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có thêm một loại hình quản lý rừng khác cần được đưa vào quy định tại luật là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (World Biosphere Reserves) do UNESCO công nhận. Hiện tại cả nước đã có chín (9) khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) nhưng chưa có quy định cụ thể thuộc quản lý của cơ quan nào, nội dung quản lý là gì để thuận lợi cho người dân và các cơ quan nhà nước khi triển khai các hoạt động liên quan trong các khu DTSQ.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 (Điều 5), rừng đặc dụng được chia thành năm (5) loại hình quản lý. Trong đó có loại hình Khu dự trữ thiên nhiên tại Tiết b (Nature Reserves). Trên thực tế, tên chính thức (trong các văn bản pháp lý) của các Khu dự trữ thiên nhiên tại Việt Nam đều gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên (Nature Conservation Areas). Vì vậy, Dự thảo Luật cần cân nhắc khi sử dụng tên gọi các khu bảo vệ thiên nhiên tại nước ta cho phù hợp với thực tế (hoặc nhiều Ban quản lý rừng hiện nay sẽ phải đổi tên theo Luật này).
Các điều khoản quy định về Chuyển mục đích sử dụng rừng từ Điều 19b đến Điều 22b còn trùng lặp và chưa thực sự lô-gic, hợp lý. Cần gom lại thành một (01) điều quy định về Chuyển mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR) gồm các nội dung trọng tâm là: (1) Nguyên tắc CMĐSDR; (2) Điều kiện CMĐSDR; (3) Thẩm quyền cho phép CMĐSDR; (4) Loại hình CMĐSDR (từ quy hoạch loại rừng này sang loại rừng khác; từ mục đích sử dụng rừng sang mục đích ngoài lâm nghiệp); (5) Trồng rừng thay thế.
Về Điều khoản thi hành (Chương XII), tại Khoản 2 Điều 103 (Hiệu lực thi hành) Dự thảo Luật cần có thêm Tiết c quy định chuyển tiếp: “Các quy định của Chính phủ về Quy chế quản lý các loại rừng căn cứ theo Luật Bảo vệ & Phát triển rừng 2004 nay tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi có các quy định khác thay thế; Trường hợp các luật khác có điều khoản viện dẫn thực hiện theo Luật Bảo vệ & Phát triển rừng 2004 thì nay thực hiện theo Luật này”. Nếu không quy định như vậy thì các Quy chế quản lý rừng hiện nay đương nhiên không còn hiệu lực khi Luật này được ban hành. Đồng thời, nhiều điều khoản của các luật liên quan (có viện dẫn thực hiện theo Luật 2004) sẽ gặp khó khăn khi thực thi do Luật 2004 sẽ hết hiệu lực.
Kết luận và kiến nghị
Nhìn chung, Dự thảo Luật đã được đầu tư nghiên cứu, xây dựng công phu. Qua nhiều lần tiếp thu chỉnh sửa nên cơ bản Dự thảo Luật đã khắc phục được những tồn tại của Luật 2004 đồng thời bổ sung nhiều quy định quan trọng và cần thiết liên quan đến các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng. Những bổ sung này giúp Dự thảo Luật sau khi ban hành sẽ là khung pháp lý hoàn thiện hơn cho ngành lâm nghiệp nước ta trong bối cảnh yêu cầu xã hội hóa và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.
Tuy nhiên, qua các phân tích và nhận định trên đây cho thấy Dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục điều chỉnh nhằm hoàn thiện thêm. Kính đề nghị Ban soạn thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét các nội dung góp ý để hoàn tất Dự thảo Luật, sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Tài liệu tham khảo
Bộ NNPTNT, 2016. Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), ngày 25/12/2016;
Bộ NNPTNT, 2016. Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về luật liên quan đến Lâm nghiệp và Bảo vệ, Phát triển rừng, ngày 25/12/2016 ;
Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam, 2008. Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng;
Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam, 2010. Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;
Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam, 2017. Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Phiên bản 5.0) ngày 06/6/017;
Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam, 2017. Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Phiên bản 5.1) ngày 17/7/2017;
Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam, 2017. Tờ trình số 68/TTr-CP ngày 01/3/2017 về Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi);
Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam, 2004. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Nguyễn Chí Thành, Ngô Anh Tuấn, Nguyễn Tuấn Phú, 2015. Báo cáo đánh giá, đề xuất các nội dung cần điều chính, bổ sung Nghị định số 99/2010 /NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;
PanNature, 2017. Kỷ yếu Hội thảo Quản trị rừng tự nhiên trong Luật Bảo vệ Phát triển rừng sửa đổi (26/5/2017);
UBKHCNMT Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam, 2017. Báo cáo số 321/BC-UBKHCNMT14 về việc Thẩm tra Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi);
Vương Văn Quỳnh & Nguyễn Chí Thành, 2016. Báo cáo đánh giá 8 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (2008-2015) và 5 năm thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (2011-2015).
[1] Dự thảo Luật ban đầu có 97 Điều, trong đó, kế thừa 11 Điều, sửa đổi 58 Điều, bổ sung mới 28 Điều, bỏ 19 Điều. Tổng số điều sửa đổi, bổ sung là 86, chiếm 88% tổng số Điều của dự thảo Luật. Sau khi Quốc hội nghe và cho ý kiến ngày 09/6/17, Dự thảo Luật (PB 5.1) tiếp tục thay đổi thứ tự các chương, loại bỏ, bổ sung thêm nhiều Mục, Điều, Khoản so với Phiên bản 5.0 trước đó (tổng hợp chung tăng thêm 10 Điều).
[2] Việc luật hóa chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên nhằm kịp thời ngăn chặn thực trạng rừng tự nhiên liên tục bị suy giảm cả số và chất lượng nhưng chưa có cơ sở pháp lý đủ mạnh và đồng bộ;
Dịch vụ môi trường rừng hiện nay đã được Chính phủ quy định và bước đầu thực hiện chi trả rất thành công tại nước ta, cần đưa vào luật để thống nhất quản lý và tiếp tục phát huy tính ưu việt của chính sách này.
[3] Điều kiện này yêu cầu còn cao hơn cả với đối với khai thác rừng đặc dụng (Điều 46) và rừng phòng hộ (Điều 49)