Tạo chuyển biến rõ nét
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã tạo thuận lợi rất lớn cho công tác bảo vệ rừng tại địa phương. Chính sách này đã tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các chủ rừng như Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, các công ty lâm nghiệp và UBND các xã. Người dân phấn khởi nhận tiền giao khoán bảo vệ rừng đã giúp hạn chế tình trạng khai thác rừng trái phép, cháy rừng, di dân tự do”. Còn ông Nguyễn Danh Hùng - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong) cho biết: “Chính sách chi trả DVMTR đã thực sự cứu cánh cho đơn vị nguồn tài chính để đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ rừng, nhất là thời điểm khó khăn về ngân sách. Chính sách này đã tạo được sự kết nối, mối quan hệ chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành lâm nghiệp, góp sức cùng nhau quản lý, bảo vệ rừng”. Trong 5 năm qua, các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn đều ghi nhận sự kịp thời, hiệu quả của chính sách này. Ông Ngũ Văn Trị - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương cho biết: “Qua 4 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Ban đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng đến 638 hộ gia đình, 18 nhóm hộ, 14 tổ chức và 8 tổ bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị. Từ năm 2012 đến 2015, đơn vị đã giải ngân hơn 26 tỷ đồng tiền DVMTR đến tận tay người dân. Số diện tích bảo vệ rừng và số tiền chi trả ngày càng tăng lên. Hiệu quả của chính sách này là người dân có tiền nhận khoán bảo vệ rừng để nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống, phối hợp tốt hơn với cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ rừng”.
Để có được những chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ rừng thời gian qua, có sự ghi nhận đóng góp quan trọng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng - Cơ quan nắm vai trò điều phối thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên nguyên tắc các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng đã cung ứng dịch vụ đó. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ BV&PTR là tiền của bên sử dụng DVMTR ủy thác cho Quỹ để trả cho các chủ rừng, tức là bên cung ứng DVMTR. Thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao rõ rệt diện tích, độ che phủ rừng và môi trường sinh thái. Nhiều gia đình lập thành nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã góp phần nâng cao sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng dân bản. Ông Lương Văn Biết - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (Quỳ Hợp) cho biết: “Xã nhận khoán bảo vệ hơn 200 ha rừng và đã giao khoán bảo vệ rừng cho 35 hộ gia đình. Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, người dân trong xã rất phấn khởi vì có thêm thu nhập đồng thời tạo được sự chuyển biến rõ nét trong ý thức bảo vệ rừng”. Tại một số lưu vực, đơn giá chi trả bình quân trên 1 ha rừng cao gấp đôi mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng, như lưu vực Hủa Na - Cửa Đạt tiền nhận khoán lên đến 400.000 đồng/ha/năm. Tại lưu vực này, mỗi hộ dân nhận khoán bảo vệ 30 ha rừng có thu nhập từ tiền DVMTR đạt 12 triệu đồng/hộ/năm.
Đến nay, Hạt kiểm lâm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong đã trở thành cánh tay nối dài thực hiện chính sách chi trả DVMTR đến các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn bản, UBND xã. Còn các chủ rừng là tổ chức nhà nước thì thực hiện giao khoán bảo vệ rừng đến các hộ gia đình trong khu vực quản lý. Như vậy, chính sách chi trả DVMTR đã dần đi vào ổn định và ngày càng phát huy hiệu quả.
Xã hội hóa sâu rộng nghề rừng
Những năm qua, nhờ tích cực đàm phán và triển khai các hợp đồng ủy thác, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã từng bước mở rộng nguồn thu. Đồng thời, Quỹ cũng tăng cường giải ngân cho các chủ rừng và bên nhận khoán bảo vệ rừng để tiền DVMTR sớm đến tay người dân. Đến nay, tổng nguồn thu luỹ kế đạt gần 290 tỷ đồng (bao gồm nguồn DVMTR và tiền trồng rừng thay thế), bổ sung nguồn tài chính quan trọng, ngoài ngân sách nhà nước và mang tính xã hội hóa cao phục vụ công tác bảo vệ phát triển rừng. Qua đó, nâng diện tích rừng được chính sách DVMTR hỗ trợ quản lý, bảo vệ lên gần 250 nghìn ha, với hơn 10 nghìn hộ gia đình hưởng lợi từ chính sách này.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vinh - Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: “Thời gian tới, để đảm bảo nguồn tiền cho công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững đòi hỏi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phải tăng cường mở rộng nguồn thu; mạnh dạn mở rộng đối tác và hợp tác quốc tế. Tích cực khảo sát các cơ sở sản xuất thủy điện, nước sạch đã và sắp đi vào hoạt động, các cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái để thương thảo ký kết hợp đồng ủy thác nhằm tăng nguồn thu. Đồng thời tiến hành thực hiện tốt việc thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở SXCN có sử dụng nước nguồn do Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ BV&PT rừng Việt Nam hỗ trợ thực hiện tại 3 tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Rà soát các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; thực hiện thu, truy thu theo danh sách các dự án chuyển đổi được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn từ năm 2008 đến 2012 (trước khi thành lập Quỹ). Bên cạnh đó, Quỹ sẽ phối hợp tốt với các đối tác như Dự án rừng và đồng bằng (VFD), tổ chức Phát triển nông thôn bền vững (SRD), tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) để tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng truyền thông, tuyên truyền chính sách, thiết kế các ấn phẩm tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, thực hiện chính sách chi trả DVMTR cho người dân”.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong việc triển khai nhiệm vụ kịp thời, khoa học và hiệu quả; là tốp đầu trong hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cả nước làm tốt các nhiệm vụ và đặc biệt là thực thi chính sách DVMTR.
Mai Liễu - Báo Lao động Nghệ An