Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An
Tại cuộc thi, 4 đội được tham gia 3 phần thi. Phần thi thứ nhất là “Chào hỏi”. Phần thi này các đội bốc thăm thứ tự và lần lượt ra trình diễn. Phần thi thứ hai là “Kiến thức”. Phần này MC đọc câu hỏi và đại diện các đội nhấn chuông nhanh để trả lời. Phần thi thứ 3 là “Hùng biện”. Phần này các đội sẽ cử đại diện lên bốc thăm câu hỏi và hùng biện cho câu hỏi đó.
Là một thành viên tham gia cuộc thi, chị Vi Thị Lý- thôn Xiêng Nứa, xã Yên Na chia sẽ: “ Tôi rất phấn chấn khi được đại diện cho thôn Xiêng Nứa tham gia cuộc thi tìm hiểu về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cuộc thi là cơ hội để chúng tôi được giao lưu, học hỏi. Chúng tôi lại được hiểu thêm và cảm nhận sâu sắc hơn về tầm qua trọng của việc quản lý bảo vệ rừng đối với môi trường sống và có vai trò quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng”.
Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An
Rừng hiện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác chống biến đổi khí hậu trái đất. Tuy nhiên, điều đáng buồn là mặc dù có nhiều biện pháp tích cực trong công tác giảm tác hại của hiệu ứng nhà kính, song tình trạng phá rừng vẫn ở mức báo động. Hàng năm có khoảng 13 triệu hecta rừng bị khai thác và phá huỷ. Từ đó có thể thấy rằng, vấn đề quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường thực sự phục vụ sự phát triển của đất nước là công việc không chỉ của riêng một địa phương, một ngành, hay của bất kỳ một quốc gia nào mà là nhiệm vụ chung của toàn cầu. Cần phải nhanh chóng gióng lên hồi chuông báo động nếu nhân loại không muốn phải chịu hậu quả tàn khốc trong tương lai không xa. Trong đó vai trò của thông tin, truyền thông là rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân phải đồng lòng, quyết tâm chung tay hành động vì một hành tinh trái đất xanh- sạch- đẹp.
Tại cuộc thi này, người dân rất hăng say và nhiệt tình với các phần thi. Đội Cò Pạo với tiểu phẩm “Bảo vệ và chữa cháy rừng” đã nói lên được dù trong hoàn cảnh nào người dân cũng luôn luôn bảo vệ rừng và khi xảy ra cháy rừng thì tất cả người dân cùng đồng sức đồng lòng để cứu rừng. Với tiểu phẩm “Kiểm lâm và lâm tặc” do đội Bản Vẽ thể hiện đã thể hiện được vai trò của Kiểm lâm- đại diện cho toàn dân khi phải đối mặt với lâm tặc- những người chuyên phá huỷ môi trường. Đội Xiêng Nứa với tiểu phẩm “Tiền đến tay dân” đã thể hiện được một phần của Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đó là: Ai là người trả tiền cho người dân và người dân cần sử dụng đồng tiền đó như thế nào. Còn đội Xốp Pu thì đại diện cho những người dân Khơ Mú, mặc dù đội đã không tham gia đóng kịch những đội cũng đã đưa những câu hát của núi rừng về với cuộc thi. Tại cuộc thi ban tổ chức cũng có nhiều trò chơi nhỏ và các câu hỏi dành cho khán giả giúp bà con hứng thú hơn trong việc tiếp cận thông tin về bảo vệ và phát triển rừng.
Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An
Thông qua cuộc thi cũng đã giúp bà con hiểu được chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ là bước đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là 3 vấn đề cơ bản về môi trường, kinh tế xã hội, góp phần giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế hạn hán lũ lụt.
Kết thúc cuộc thi, với sự công tâm của Ban giảm khảo và Ban tổ chức thì giải nhất đã thuộc về đội Xiêng Nứa, giải nhì thuộc về đội Cò Pạo và đồng giả ba thuộc về 2 đội Bản Vẽ và Xốp Pu.
Nguyễn Thị Kim Dung - Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An