Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với hơn 1,2 triệu ha, trong đó có gần 961.800 ha rừng; bao gồm hơn 790 ha rừng tự nhiên và trên 171 ha rừng trồng. Xác định phát triển kinh tế rừng là nguồn lực góp phần xóa đói, giảm nghèo với đồng bào miền núi, vùng sâu xa, đặc biệt khó khăn. Do vậy, khi thế giới hình thành thị trường tín chỉ các-bon rừng theo cơ chế hoạt động chống mất rừng, suy thoái rừng góp phần tích cực làm giảm phát thải khí nhà kính (REDD); cho phép chuyển quyền các-bon được tạo ra từ các hoạt động REDD, Việt Nam đã tham gia thực hiện sáng kiến REDD+ và đến tháng 9/2016, Việt Nam đáp ứng đầy đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn thực hiện REDD+ theo nguyên tắc chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là đối tác quan trọng của Dự án Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019 với mục tiêu thực hiện các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Hình ảnh: Tập huấn kỹ năng truyền thông
của dự án Dự án Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ giai đoạn 2 (FLOURIS)
Năm 2020, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, gọi tắt là ERPA được ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế và Nghệ An là một trong 6 tỉnh được thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An là cơ quan thực hiện hoạt động quản lý nguồn thu từ ERPA trên địa bàn tỉnh, bao gồm hoạt động điều phối nguồn thu, hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá, hoạt động truyền thông và hoạt động giải quyết thắc mắc, khiếu nại, phản hồi. ERPA chi trả cho các hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp và hỗ trợ phát triển sinh kế cho các cộng đồng tham gia hoạt động quản lý rừng
Hình ảnh: Các cộng đồng được hỗ trợ mô hình sinh kế từ Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ ERPA tại huyện Quế Phong
Thực hiện ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp để đầu tư trực tiếp vào rừng, giúp gia tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, giá trị sinh thái của rừng, cải thiện sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giá trị dịch vụ các bon rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng.
Hơn nữa, thực hiện ERPA sẽ góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng Bắc Trung bộ, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Thoả thuận Paris và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; hình thành thị trường các bon trong nước và là tiền đề quan trọng để Nghệ An tham gia thị trường các-bon thế giới theo Đề án của Chính phủ.
Thực hiện: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng & Tạp chí điện tử Hoà nhập