Tin tức sự kiện Tin Nghệ An

QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI TRỒNG RỪNG THAY THẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Ngày đăng tin: 05/08/2016
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An (Quỹ BVPTR) được thành lập vào cuối năm 2011 và đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và chịu sự kiểm tra, giám sát về tài chính của Sở Tài chính.

             Chức năng và nhiệm vụ của Quỹ BVPTR được quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP; đến nay chủ yếu đang tập trung thực hiện nhiệm vụ triển khai Chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An còn thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Trong đó, có trách nhiệm thu/truy thu các khoản đóng góp bắt buộc tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (CĐMĐSDR). Đồng thời, tham mưu giao kế hoạch, đôn đốc trồng bù rừng, kiểm tra thực hiện để giải ngân.
 

           Trong bối cảnh tập trung thực hiện chỉ đạo trồng rừng thay thế, tại Nghệ An UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng phương án, kế hoạch từ 2013, đến 2014 bắt đầu trồng trên thực địa và được đẩy mạnh cả về quy mô và tiến độ từ năm 2015; Bên cạnh khó khăn, công tác TRTT đã đạt được kết quả khá tốt, cơ bản đáp ứng tiến độ kế hoạch, góp phần khôi phục độ che phủ rừng, tạo thêm nguồn thu và việc làm cho các chủ rừng và người dân.



Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An
 

              - Nhờ vận dụng nhiều biện pháp khác nhau như: làm công văn nhắc nhở, tổ chức kiểm tra rà soát nợ đọng, ràng buộc về thủ tục trồng rừng thay thế khi dự án thực hiện các hoạt động khác liên quan... Tính đến nay, Quỹ BVPTR đã tiến hành thu và truy thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của các Dự án (nhằm phục vụ trồng rừng thay thế) theo các quyết định của cấp có thẩm quyền là 37.039.748 nghìn đồng (tính đến hết tháng 7/2016).

              - Trong bối cảnh phải đẩy nhanh tiến độ trồng bù rừng song hệ thống văn bản chưa đủ hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, các bước tiến hành thì việc thừa kế các quy hoạch và dự án trồng rừng có sẵn để lồng ghép thực hiện đã phát huy tác dụng tốt; giúp tiết kiệm thời gian, vận dụng được hồ sơ, nguồn lực và kinh nghiệm trồng rừng của các chủ rừng/DATR trong tỉnh; Theo QĐ phân bổ KH và nguồn vốn của UBND tỉnh cho các DATR, Quỹ BVPTR phối hợp đôn đốc các chủ dự án lập hồ sơ TKKT - DT trình phê duyệt làm căn cứ triển khai. Quỹ BVPTR (phối hợp) kiểm tra tiến độ, hồ sơ nghiệm thu cơ sở và các thủ tục liên quan khác theo quy định để giải ngân kinh phí (qua Kho bạc Nhà nước); Trình tự và thủ tục giải ngân vận dụng theo quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BTC. Tổng số tiền đã giải ngân theo tiến độ trồng rừng đến nayĐã giải ngân, hỗ trợ với tống số tiền: 13.117.516.071 đồng tương ứng với diện tích 3.528,73 ha (diện tích quy đổi). Các loại rừng trồng thay thế đã thực hiện cụ thể như sau:

              + Trồng rừng phòng hộ: 238,60 ha
              + Trồng rừng đặc dụng: 10 ha
              + Trồng rừng sản xuất: 1.686,71 ha
              + Trồng cây phân tán: 1.585,42 ha
              + Trồng rừng mô hình: 8 ha
           Cân đối kết quả thu/chi kinh phí trồng bù rừng tại Quỹ, dự kiến sau khi giải ngân các nguồn kinh phí trồng rừng trên, số tiền phục vụ trồng rừng thay thế còn lại cần tiếp tục bố trí kế hoạch là 3.289.184 nghìn đồng.

 



Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An

         
           - Trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn vướng mắc như:

           + Công tác thu và truy thu: Việc truy thu tiền trồng rừng thay thế của các dự án (đa số là ngoài mục đích thủy điện) từ 2012 về trước rất khó khăn, tốn nhiều thời gian và thiếu chế tài xử lý các đơn vị cố tình chây ỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do một số dự án, công trình đã cấp phép nhưng chưa triển khai hoặc đã chuyển đổi, bàn giao công trình cho tổ chức khác; một số dự án thực hiện xong đã được quyết toán nhưng không đưa chi phí trồng bù rừng vào dự toán ban đầu nên thiếu kinh phí để nộp; một số dự án không tìm thấy địa chỉ theo hồ sơ lưu trữ mà Quỹ thu thập được.

            + Công tác xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế còn bị động đối với cả cơ quan quản lý, Quỹ BVPTR và các đơn vị thực hiện. Thời điểm có quyết định giao kế hoạch và phân bổ nguồn vốn cho các dự án thường chậm trong khi trồng rừng là hoạt động có tính thời vụ cao và công tác chuẩn bị (hiện trường, cây giống) yêu cầu nhiều thời gian. Nếu kế hoạch giao muộn và đơn vị bị động thì khi xây dựng và phê duyệt xong hồ sơ kỹ thuật đã qua mất thời vụ trồng rừng, dẫn đến không hoàn thành kế hoạch hoặc chất lượng rừng trồng không đạt yêu cầu. Công tác nghiệm thu, giải ngân sau đó cũng rất phức tạp.

            + Thủ tục kiểm soát nguồn vốn và giải ngân.
           Việc các dự án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ vốn không được định nghĩa rõ ràng là hoạt động ủy thác hay là việc nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Do đó, quan điểm quản lý và thủ tục giải ngân nguồn vốn này vẫn chưa hoàn toàn thống nhất giữa các cơ quan liên quan, gây cản trở đến quá trình thực thi nhiệm vụ trong khi cần đẩy nhanh tiến độ trồng bù rừng theo chỉ đạo của Chính phủ. Hoạt động trồng rừng thay thế được chỉ đạo triển khai khẩn trương trong những năm qua song bước đầu thiếu quy định cụ thể về thủ tục kiểm soát và giải ngân. Để đáp ứng nguồn vốn cho các dự án trồng rừng thay thế kịp tiến độ, Quỹ Nghệ An đã vận dụng các quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BTC ngày 30/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng để thực hiện kiểm soát hồ sơ và giải ngân nguồn kinh phí này.

           + Công tác thu/truy thu tiền chuyển mục đích sử dụng rừng, hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của các dự án trồng rừng thay thế để phục vụ việc giải ngân đúng, đủ và kịp thời tốn khá nhiều thời gian, nhân lực và kinh phí hoạt động của Quỹ nhưng đến nay Quỹ không được trích chi phí quản lý từ nguồn thu này để thực hiện nhiệm vụ.

           + Quy định quản lý, sử dụng rừng sau đầu tư
           Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, hoạt động trồng rừng thay thế tại tỉnh Nghệ An bước đầu đạt kết quả tốt, đáp ứng tiến độ kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trách nhiệm quản lý rừng sau đầu tư, cơ chế hưởng lợi từ diện tích rừng trồng này khi thành thục công nghệ như thế nào vẫn chưa có quy định cụ thể. Trước tình hình đó, Quỹ BVPTR tỉnh Nghệ An định kỳ thống kê diện tích rừng trồng đã nghiệm thu, báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT để giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý rừng. Về cơ chế hưởng lợi, trước mắt diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch dự án nào thì áp dụng chính sách theo dự án đó. Ví dụ: nếu diện tích rừng trồng thay thế thuộc quy hoạch của Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất 147 thì cơ chế quản lý, chính sách hưởng lợi của chủ rừng thực hiện theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/92007 của Thủ tướng Chính phủ.

 



Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An

           - Đánh giá chung:

          Mặc dù còn lúng túng và gặp khó khăn trong giai đoạn đầu, tỉnh Nghệ An đã vận dụng linh hoạt các biện pháp nên kết quả TRTT cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Việc lồng ghép nguồn vốn trồng bù rừng vào các dự án bảo vệ & phát triển rừng đã được phê duyệt đã giúp rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư, không tốn thêm công sức xây dựng và phê duyệt dự án đồng thời thừa kế được kinh nghiệm trồng rừng của các chủ rừng tại địa phương. Thông qua đẩy mạnh hoạt động TRTT giúp nâng độ che phủ rừng, tạo thêm việc làm và thu nhập cho các chủ rừng và hộ nhận khoán, góp phần thực hiện tốt KH BVPT của tỉnh. Tuy vậy, quá trình tổ chức thực hiện trồng bù rừng vẫn còn một số bất cập trong công tác xây dựng và phân bổ KH, trình tự thủ tục kiểm soát nguồn vốn, giải ngân và trách nhiệm quản lý sử dụng rừng trồng sau đầu tư v.v..

          - Bài học kinh nghiệm:
          Qua gần 3 năm triển khai thực hiện trồng rừng thay thế cho thấy một số kinh nghiệm như sau:
         + Mặc dù là nội dung đã được quy định trong các văn bản luật nhưng để triển khai kịp thời, đảm bảo chất lượng cần có sự chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp tốt của các cấp ngành; không nên coi việc trồng rừng thay thế là nhiệm vụ/nghĩa vụ của các chủ dự án chuyển mục đích sử dụng rừng mà cần sự tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp, gắn diện tích trồng bù rừng vào kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của địa phương;
         + Để đảm bảo thu đầy đủ và kịp thời kinh phí trồng bù rừng (trừ trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện) cần quy định nghĩa vụ nộp tiền trồng bù rừng là thủ tục bắt buộc trước khi xem xét chuyển mục đích sử dụng rừng. Ngoài ra, sự vào cuộc của các ngành Nông nghiệp & PTNT, Công thương, Tài nguyên Môi trường, Tài chính là rất cần thiết trong quá trình giúp Quỹ BVPTR tiến hành thu/truy thu và giải ngân nguồn vốn;
         + Nên lồng ghép kinh phí trồng bù rừng nhằm tăng thêm nguồn lực cho các dự án bảo vệ phát triển rừng để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Tuy nhiên cần có quy định cụ thể về cách thức lồng ghép, cơ chế kiểm soát giải ngân và quản lý sử dụng rừng sau đầu tư.
          + Trồng rừng là hoạt động mang tính thời vụ, công tác chuẩn bị về hiện trường, cây giống là tối quan trọng. Vì vậy, công tác kế hoạch cần thực hiện sớm và tập trung đôn đốc, hướng dẫn các dự án chuẩn bị tốt các điều kiện và vật tư để trồng rừng kịp thời vụ.

 

        Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An
 

   - Một số đề xuất kiến nghị:

          Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng trồng rừng thay thế, kiến nghị các cấp ngành một số nội dung như sau:
        + Cần ban hành một hướng dẫn cụ thể hơn về tính chất nguồn vốn, quản lý sử dụng, trình tự thủ tục giải ngân nguồn tiền trồng rừng thay thế; đồng thời quy định rõ hơn vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của Quỹ BVPTR đối với hoạt động trồng rừng thay thế;
         +  Có quy định về chế tài xử lý đối với chủ dự án cố tình chây ỳ việc nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng không có điều kiện trồng lại rừng thay thế;
         + Có hướng dẫn về trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng trồng và chia sẻ lợi ích đối với các diện tích rừng trồng thay thế./.

 

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An

Tin khác
 
Họp chi bộ bầu bổ sung cấp ủy và kiện toàn chức danh Bí thư 04/04/2024
ĐOÀN CÔNG TÁC QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG, SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT NGHỆ AN THĂ... 08/04/2024
Công bố quyết định về việc điều động, bổ nhiệm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển... 04/04/2024
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Cán bộ viên chức ngư... 09/01/2024
Công bố quyết định về việc tiếp nhận, bổ nhiệm công chức lãnh đạo quản lý 26/12/2023
Thống kê Lượng truy cập
Đang online 3
Hôm nay 49
Số lượng truy cập 705637

VIDEO