Chính sách chi trả DVMTR là một chính sách cột mốc, với sự thay đổi rất lớn so với tiếp cận lâm nghiệp truyền thống của Việt Nam từ trước tới nay. Thay vì phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chính sách này đã huy động được một nguồn vốn lớn từ toàn xã hội (tổ chức, doanh nghiệp, người dân) để đầu tư cho các hoạt động QLBVR gắn với giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân các khu vực có rừng. Với việc ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, lần đầu tiên ở Việt Nam, giá trị môi trường của hệ sinh thái rừng được thể chế hóa, hình thành DVMTR để đưa vào đời sống xã hội, tạo mối quan hệ kinh tế giữa bên cung ứng DVMTR và bên sử dụng DVMTR, tạo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, hình thành nguồn lực tài chính xã hội hóa bền vững phục vụ BV&PTR. Đến nay, Chính sách chi trả DVMTR được thể chế hóa tại Luật Lâm nghiệp năm 2017; Với mục tiêu của hướng tới 3 trụ cột phát triển bền vững trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó khía cạnh kinh tế được thể hiện thông qua mục tiêu gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp với kinh tế quốc dân; khía cạnh môi trường gắn với các kết quả bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững hơn; khía cạnh xã hội thể hiện qua mục tiêu cải thiện sinh kế, gắn với xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư sống gắn bó với rừng. Trải qua hơn 10 năm triển khai, chi trả DVMTR đã trở thành một Chính sách lớn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; được các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ và thực hiện; nhân dân hưởng ứng tham gia mạnh mẽ.
Với diện tích đất lâm nghiệp 1.166.109,31 ha, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước nên tiềm năng rất lớn cho việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Nhằm đưa chính sách đến với người dân, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An được thành lập tại Quyết định số 69/2011/QĐ-UBND ngày 16/11/2011 của UBND tỉnh với chức năng huy động và tiếp nhận các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn ủy thác của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chuyển trực tiếp đến Quỹ và điều phối từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn từ các chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; chi tiền trồng rừng thay thế do chuyển đổi mục đích sử dụng; hỗ trợ vốn cho các chương trình, dự án và các hoạt động phi dự án theo quy định; Đại diện cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ký hợp đồng với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải trả tiền ủy thác về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Làm đầu mối giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng kinh phí quản lý, việc thanh toán tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng có khoán bảo vệ rừng. Tổ chức thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, dự án và các hoạt động phi dự án do Quỹ hỗ trợ. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đối tượng được hưởng nguồn tài chính do Quỹ hỗ trợ. Kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án được Quỹ hỗ trợ…
Trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ cho công tác BVR rất khó khăn, Quỹ BVPTR được thành lập và thực hiện, triển khai Chính sách chi trả DVMTR đã tạo nên một nguồn lực tài chính lớn ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, huy động được nguồn nhân lực lớn trong xã hội tham gia bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng, đặc biệt là góp phần rất lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Kết quả cho thấy số cơ sở sử dụng DVMTR ngày càng tăng, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý BVR ngày càng lớn, diện tích rừng được thụ hưởng từ chính sách chi trả DVMTR ngày càng tăng, rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm lâm luật được giảm dần qua các năm… Qua đó duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng, góp phần cải thiện môi trường
Đây là nguồn lực tài chính mới, bền vững, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 836 tỷ đồng phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng. Để nguồn thu hàng năm được tăng lên, Quỹ BVPTR thường xuyên bám sát kế hoạch, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Quỹ BVPTR Việt Nam và cấp trên, vận dụng sáng tạo, linh hoạt nhiều hình thức khác nhau, thường xuyên đôn đốc các cơ sở, Dự án nộp tiền kịp thời, đúng quy định, đến nay không có cơ sở nào còn nợ đọng tiền DVMTR. Hầu hết kết quả huy động các nguồn thu tăng đều qua các năm và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể: năm 2012 là năm bắt đầu thực hiện thu và truy thu tiền DVMTR và trồng rừng thay thế với tổng số tiền là 43,637 tỷ đồng từ 01 Hợp đồng ủy thác DVMTR và 04 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì đến nay dự kiến thu 130,863 tỷ đồng từ 51 hợp dồng ủy thác chi trả DVMTR và 13 dự án thu trồng rừng thay thế.
Tổng diện tích chi trả tiền DVMTR cũng được tăng dần qua các năm: Từ năm 2012 diện tích chi trả chỉ đạt trên 97.000 ha, năm 2015 đạt 228.094,54 ha, đến năm 2021 diện tích chi trả trên 540 nghìn ha (tăng gần 5 lần). Diện tích có rừng theo kết quả rà soát tại các lưu vực thuỷ điện cũng tăng lên qua các năm nhờ đó độ che phủ rừng cũng được tăng lên hàng năm. Cụ thể như chỉ tại lưu vực thuỷ điện Bản Vẽ (trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn) diện tích có rừng được rà soát năm 2013 đạt gần 62.000 ha, đến năm 2021 diện tích có rừng tăng lên đạt trên 90.000 ha. Nhờ có việc chi trả dịch vụ môi trường rừng mà nhiều khu rừng được tái sinh hoặc trồng mới. Nhiều diện tích rừng ở các huyện có chi trả dịch vụ môi trường rừng như Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông có độ che phủ rừng lớn hơn so với các địa phương khác. Ý thức của nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng ngày càng được nâng lên. Đời sống của bà con ngày càng khởi sắc. Nhờ vậy công tác quản lý nhà nước về rừng cũng phần nào đỡ vất vả hơn. Các vụ vi phạm lâm luật giảm đáng kể.
Để chính sách được mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh biết đến và hưởng ứng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng luôn chú trọng đến đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, một số hình thức tuyên truyền Quỹ tỉnh đã triển khai như sau: Tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác BVR, REDD+... ;Công tác truyền thông còn được sân khấu hóa thông qua các cuộc thi tìm hiểu chính sách chi trả DVMTR cho người dân tại các huyện có lưu vực thủy điện; Phối hợp các cơ quan báo, đài đăng tải nội dung tuyên truyền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, chính sách chi trả DVMTR;Phối hợp với đài truyền hình làm phóng sự tuyên truyền về thực hiện chính sách chi trả DVMTR; Thường xuyên đăng bài, đưa tin về các hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trên Website của Quỹ; phát quà tặng mang thông điệp bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện (mũ, áo, bút gắn thẻ nhớ, cặp học sinh, mũ bảo hộ bảo hiểm, áo mưa đi rừng...); xây dựng, lắp đặt các bảng Pa nô, chỉ dẫn tại các khu vực dân cư, nơi nhiều người qua lại để tuyên truyền.
Từ năm 2018, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các cấp ngành về việc chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt, tỉnh Nghệ An đã triển khai chi trả tiền DVMTR đến các đối tượng bảo vệ rừng bằng các hình thức: chi trả qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử và hệ thống Bưu điện. Kết quả qua các năm như sau: Năm 2018: Thực hiện thí điểm tại 07 chủ rừng là tổ chức, 03 Tổ chức chi trả cấp huyện với tổng số 2.504 triệu đồng/40 tài khoản; Năm 2019: Kinh phí đã chi trả qua tài khoản Ngân hàng, Bưu điện, thanh toán điện tử ViettelPay: 44.794.752 nghìn đồng cho 9.824 đối tượng/tài khoản chiếm 71% so với số phải trả cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn/bản. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện nhận thấy việc chi trả qua tài khoản do phần lớn các đối tượng đã được mở tài khoản nhưng không thể tiếp tục chi trả. Trên cơ sở kinh nghiệm và khó khăn các năm trước, năm 2020 các chủ rừng là tổ chức, tổ chức chi trả cấp huyện chủ yếu lựa chọn hình thức chi trả tiền DVMTR qua hệ thống Bưu điện cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn/bản.
Nhờ nguồn tiền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được trả kịp thời, đầy đủ nên đời sống của người dân khu vực miền núi Nghệ an có dịch vụ môi trường rừng được cải thiện đáng kể. Nhiều bản làng và các hộ dân đã sử dụng một phần tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để tu sửa cơ sở hạ tầng như bể nước sạch, nhà văn hóa, giao thông thôn, bản và tùy theo điều kiện từng hộ và từng địa phương, nhiều mô hình kinh tế cũng được hình thành. Bên cạnh phát triển kinh tế, bảo vệ rừng hiện có, người dân còn có thêm điều kiện để tái trồng rừng, sớm đưa các loại rừng lau lách, đồi trọc trước đây trở thành diện tích có rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển rừng một cách bền vững.
Để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí DVMTR, hàng năm, Quỹ tổ chức trung bình 25 đợt kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất các chương trình, dự án được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí tại Quỹ; Kiểm tra, giám sát công tác chi trả tiền DVMTR đến các đối tượng tham gia bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức, Tổ chức chi trả cấp huyện. Ngoài ra, Quỹ BVPTR cũng đã tổ chức kiểm tra, xác minh các nội dung, thông tin liên quan đến công tác bảo vệ rừng và việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được giải ngân từ Quỹ khi có thông tin phản ánh liên quan. Hiện nay, Quỹ tỉnh đang hoàn thiện hệ thống giám sát, đánh giá và ứng dụng công nghệ thông tin (Geopfes, Webgis, Qgis, Mapinfo, ....) để thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn.
Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ BVPTR đã thực sự phát huy được vai trò quan trọng và địa chỉ tin cậy trong việc huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng. Thông qua thực tiễn triển khai các chính sách đã đề cao được vai trò, giá trị kinh tế của rừng trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, chất lượng rừng tự nhiên bị suy giảm và nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng hạn chế.Qua quá trình thực hiện chính sách cũng đã phát huy được vai trò, sự tham gia, gắn kết của các bên liên quan như bên cung ứng, bên sử dụng DVMTR, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức khác trên địa bàn các huyện, xã. Nhờ đó, mối quan hệ đối tác của Quỹ cũng được mở rộng để đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ./.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An.