Dự họp có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các cấp, ngành liên quan. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Trong quá trình thực hiện việc thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh (ERPA), ở Nghệ An gặp một số khó khăn, vướng mắc, do đến tháng 10/2024 công tác giải ngân tiền từ nguồn thu ERPA cho các đối tượng hưởng lợi trên địa bàn tỉnh mới bắt đầu được thực hiện.
Diện tích rừng tự nhiên theo kết quả công bố diễn biến rừng có sự sai lệch nhất định so với thực tế; Một số chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã số tiền được hưởng lợi quá thấp, không thể lập kế hoạch tài chính; Số lượng chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh rất lớn (27.467 đối tượng trên địa bàn 211 xã thuộc 19 huyện/thành/thị), chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, nguyện vọng được chi trả bằng tiền mặt, do đó, khó khăn trong công tác chi trả qua tài khoản ngân hàng (các huyện đã có văn bản đề xuất)...
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Các cấp, ngành đã vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ động, tích cực tham mưu các nội dung, hoạt động liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tiến hành giải ngân cho 15 chủ rừng là các tổ chức; 4 UBND xã và 13 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, với tổng số tiền hơn 63 tỷ đồng (Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tiến hành giải ngân 100% số tiền theo kế hoạch tài chính của các đơn vị được phê duyệt).
Theo kế hoạch, đến ngày 31/12/2024 thực hiện giải ngân 145.667 triệu đồng, trong đó, giải ngân 82.079 triệu đồng cho chủ rừng là tổ chức; 20.820 triệu đồng tại UBND xã và 38.678 triệu đồng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư...
Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng báo cáo quá trình thực hiện việc thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành và địa phương liên quan đã đưa ra các giải pháp để trong thời gian thực hiện đúng tiến độ của ERPA, đó là: Phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, xã và các chủ rừng là tổ chức nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng là tổ chức xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán công trình lâm sinh đã được phê duyệt tại kế hoạch tài chính năm theo quy định để triển khai thực hiện.
Đôn đốc, hướng dẫn, đẩy nhanh công tác lập và phê duyệt kế hoạch tài chính của UBND cấp xã được giao quản lý rừng; Đôn đốc các hạt kiểm lâm đẩy nhanh công tác rà soát, thống kê diện tích rừng tự nhiên thực tế của các đối tượng hưởng lợi; Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực, vai trò của cộng đồng trong việc phối hợp, liên kết với các cơ quan chức năng trong quá trình lập kế hoạch, giám sát; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động chi trả, quản lý sử dụng tiền và các nội dung liên quan đến ERPA...
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận kết quả sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành liên quan trong việc thực hiện chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn, đồng thời nhấn mạnh: UBND tỉnh, các cấp, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để Nghệ An đảm bảo tốt việc thực hiện chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn.
Trong thời gian tới, các sở, ngành, chính quyền địa phương cấp huyện, xã và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập, phê duyệt kế hoạch tài chính chi trả tiền ERPA.
Đại diện Vườn Quốc gia Pù Mát báo cáo quá trình thực hiện chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan, hướng dẫn các chủ rừng là tổ chức thuộc thẩm quyền khẩn trương triển khai các hoạt động theo kế hoạch tài chính đã được phê duyệt, chi trả cho các đối tượng hưởng lợi và quản lý, sử dụng tiền ERPA theo đúng quy định. Quan tâm phê duyệt kế hoạch tài chính cho các chủ rừng là tổ chức thuộc thẩm quyền để làm cơ sở chi trả.
Quan tâm, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các chủ rừng là tổ chức thuộc thẩm quyền có báo cáo không thực hiện nguồn kinh phí từ ERPA. Đôn đốc các chủ rừng là tổ chức xây dựng và trình phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán công trình lâm sinh “nuôi dưỡng rừng tự nhiên” để triển khai thực hiện.
Các UBND cấp huyện cần tập trung chỉ đạo việc thực hiện chi trả giảm phát thải nhà kính và tổng hợp, thống kê, xác nhận danh sách các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện để tổ chức chi trả.
Hạt kiểm lâm, UBND các xã tiến hành thu thập thông tin tài khoản ngân hàng hoặc tuyên truyền, khuyến khích các chủ rừng mở tài khoản ngân hàng để tiếp nhận tiền ERPA. UBND cấp xã quản lý, sử dụng tiền ERPA được chi trả đúng quy định...
Các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện để việc thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh kịp thời, đúng quy định.